Việt Nam là nước có rất nhiều làng nghề truyền thống, được tồn tại và phát triển gắn liền với lịch sử và văn hóa hàng nghìn năm nay. Lụa tơ tằm truyền thống của Việt Nam xứng đáng được tôn vinh là sứ giả ngoại giao, với đặc tính mịn mượt, mềm mại, bền đẹp, thân thiện với môi trường…chất liệu tơ lụa tự nhiên của Việt Nam được nhiều nước rất ưa chuộng.
Tơ lụa Vạn Phúc
Làng lụa Vạn Phúc là cơ sở sản xuất tơ lụa nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Làng lụa Vạn Phúc được ra đời từ rất lâu. Ngày xưa, sản phẩm của làng tơ lụa này thường được chọn để may trang phục cho vua chúa, quan lại. Sản lượng đạt trên 2 triệu m/năm, có trên 150 cửa hàng trong thôn, còn được bán ở nhiều nơi khác. Lụa tơ tằm của làng Vạn Phúc rất mềm mại với đồ án hoa văn phong phú, màu sắc đa dạng, có thể dùng để may nhiều trang phục với kiểu dáng khác nhau và rất được giới trẻ ưa chuộng. Tơ lụa Vạn Phúc nên được bảo tồn và phát huy
Làng lụa Vạn Phúc có tiếng tại Việt Nam
Tơ lụa Duy Xuyên
Thuộc tỉnh Quảng Nam. Làng lụa Duy Duyên đã ra đời trên 300 năm. Tơ lụa của làng do người Chăm Pa tại địa phương ươm tơ, dệt lụa. Chất liệu tơ tằm của làng mềm mại hơn so với những nơi khác do người Chăm Pa tự nuôi trồng. Làng tơ lụa Duy Xuyên vẫn giữ được nét truyền thống của nghề dệt lụa. Các sản phẩm làm từ tơ lụa của làng đều mang đậm nét văn hóa của người Chăm Pa. Làng tơ lụa thường xuyên đón những du khách nước ngoài đến tham quan, họ được cùng trải nghiệm quay tơ, chăm tằm cùng những nghệ nhân dệt vải.
Làng lụa Duy Xuyên có lịch sử hơn 300 năm
Tơ lụa Tân Châu
Thuộc tỉnh An Giang, ra đời từ rất lâu. Tơ lụa của làng khi dệt xong được nhuộm màu bằng trái mặc nưa, làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả. Nét nổi tiếng và độc đáo của lụa Tân Châu chính là sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao. Do mất nhiều thời gian và công sức để làm ra lụa Tân Châu, nên giá cả của lụa cũng khá đắt vào những năm 60, 70. Trong khi đó, thị trường vải phong phú, đa dạng, giá lại rẻ, nên lụa Tân Châu không đủ sức cạnh tranh, đời sống người dân gặp khó khăn, nghề dệt dần bị mai một.
Hiện nay, lụa Tân Châu là một sản phẩm thuần Việt, đậm đà tính dân tộc và là niềm tự hào của dân tộc Việt. Người làng nghề đã không ngừng học hỏi, đổi mới công nghệ và ý tưởng mới nên đã tạo ra nhiều mẫu mã mới, đẹp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng
Ghé thăm làng lụa truyền thống ở Tân Châu
Tơ lụa Nha Xá
Thuộc tỉnh Hà Nam. Lụa ở đây mềm, mịn, đẹp và bền được xếp thứ hai sau lụa Vạn Phúc. Từ đầu thế kỷ 18, các lái buôn ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã đến làng Nha Xá để đặt hàng bởi chất lụa non tơ, óng mượt. Những năm 1920 là thời thịnh vượng nhất của làng dệt Nha Xá, lụa dệt ra bao nhiêu đều được đưa đi nước ngoài. Trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm, làng lụa Nha Xá vẫn giữ gìn và phát triển vốn truyền thống quý báu của cha ông để lại.
Ngày nay, quy mô sản xuất của làng lụa Nha Xá được mở rộng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều gia đình đóng thêm máy dệt hoặc thay khung gỗ thành khung sắt. Sản phẩm dệt ngày càng phong phú, đa dạng…(hàng se tơ, hàng lụa hoa, hàng…). Nghề dệt của làng đã lan rộng đến nhiều vùng như Lảnh Trì, Chuyên Ngoại, Hòa Mạc, Đồng Văn…tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm gia đình.
Làng lụa Nha Xá mùa xuân
Tơ lụa Mã Châu
Làng lụa Mã Châu nổi tiếng từ thế kỷ 16, với nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa. Sản phẩm tơ lụa Mã Châu chuyên cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc thời bấy giờ. Hiện nay, làng có khoảng 300 hộ dân gắn bó với nghề dệt. Những năm 1960, Mã Châu là vùng đất nức tiếng với hơn 4000 khung cửi dệt ngày đêm.Trải qua nhiều thăng trầm, do những biến động giá cả tơ lụa trong nước và quốc tế, làm cho sự phát triển của làng nghề Mã Châu bị chững lại, đa số diện tích đất trồng dâu đã nhường lại cho cây trồng khác, người dệt lụa đã chuyển sang làm công việc khác. Khoảng 15 năm trở lại đây, Mã Châu đã khôi phục với hơn 2000 khung dệt. Làng dệt Mã Châu có duy nhất Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu còn giữ được dệt lụa tơ tằm truyền thống.
Làng dệt lụa Mã Châu hồi sinh